Dạy nghề hướng tới nhu cầu thị trường lao động

Mai Tiến Hiệp 26/07/2018 0 nhận xét
  • 22/04/2018

Hiện nay các cơ sở đào tạo đã bước đầu chú trọng thực hành, gắn kết với doanh nghiệp tạo việc làm cho học viên. Trong ảnh: Lớp Cơ điện chất lượng cao (Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội). Ảnh: VĂN HỌC

Công tác dạy nghề lâu nay vẫn còn nhiều điều cần bàn. Làm sao tạo ra nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vì thế cần gắn dạy nghề với doanh nghiệp và đồng thời tính đến yếu tố cung cầu của thị trường lao động trên cơ sở đổi mới cơ bản và toàn diện công tác đào tạo nghề.

Còn lắm mối lo

Có thể nói trong các bản tin cập nhật thị trường lao động (TTLĐ) theo từng quý những năm gần đây thường đưa ra những hệ lụy về chất lượng giáo dục đào tạo nói chung và dạy nghề nói riêng. Tình trạng cử nhân, cao đẳng nghề thất nghiệp hoặc khó tìm việc làm thể hiện qua từng con số phần nào phản ánh sự yếu kém trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Tại sao lại có những yếu kém đó? Các nhà chuyên môn đã chỉ ra nhiều nguyên nhân. Nhưng nhìn chung chúng ta có thể liệt kê một số mối lo cơ bản như: Trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên dạy nghề, đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề còn hạn chế như thiếu kỹ năng nghề, ngoại ngữ kém, chưa bắt kịp với sự phát triển của TTLĐ, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo. Ngoài ra, cơ sở vật chất của nhà trường nghèo nàn, lạc hậu, chương trình đào tạo nhiều năm không thay đổi, mạng lưới trường nghề chồng chéo, số lượng cơ sở đào tạo nhiều mà không tinh.

Đào tạo nhân lực là phải có đánh giá đầu ra nhưng chúng ta chưa có một đơn vị nào có thể đánh giá kỹ năng nghề mang tầm quốc gia. Vì thế công tác đánh giá kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được triển khai, đây là một bất cập liên quan đến chất lượng đào tạo rất đáng quan tâm. Ngoài ra, hiệu quả của việc dạy nghề còn phụ thuộc vào câu chuyện phân luồng học sinh ngay từ hệ thống các trường trung học phổ thông. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Đào Ngọc Dung, chúng ta cần phân luồng để làm sao có 70% học sinh phổ thông đi học nghề, đó là kinh nghiệm từ các nước phát triển, tỷ lệ vào đại học của họ chỉ khoảng 30% còn ở Việt Nam thì ngược lại. Tất nhiên để làm được điều này rất cần sự phối hợp tốt với ngành giáo dục vì hướng nghiệp học sinh phải gắn với thực tiễn kỹ thuật công nghệ, đó là giải pháp tạo đầu vào chất lượng cho GDNN.

Một mối lo cốt tử có thể quyết định tới sự tồn tại của cơ sở dạy nghề là tình trạng học sinh học xong ra trường không có việc làm, nếu doanh nghiệp cần người thì phải đào tạo lại. Vì thế, các cơ sở đào tạo cần phải gắn kết với doanh nghiệp để người học tốt nghiệp ra trường thì có việc làm ngay. Nếu học sinh không tìm được việc làm thì cơ sở đào tạo phải hoàn trả tiền học phí.

Chính phủ đã ra nghị quyết số 76/NQ-CP (ngày 3-9-2016) giao cho Bộ LĐ, TB và XH, là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN thay vì hai Bộ như trước. Theo đó Bộ LĐ, TB và XH là cơ quan được Chính phủ phân công thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GDNN chứ không phải là cơ quan chủ quản của các trường dạy nghề. Ưu thế của mô hình này, là các Bộ, UBND các địa phương sẽ tự giảm dần sự can thiệp vào các trường dạy nghề và từ đó đẩy mạnh tự chủ, giúp việc đào tạo nghề tốt hơn.

Giờ học pha chế tại Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Những vấn đề cốt lõi

Đào tạo nghề hiện là vấn đề cấp thiết nếu muốn nâng cao năng suất lao động. Hơn nữa, chúng ta đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vào thị trường lao động. Theo TS Phạm Quang Ngọc, chuyên gia kinh tế và thị trường lao động, cuộc CMCN 4.0 với trình độ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, in-tơ-nét vạn vật kết nối, công nghệ in 3D đang thâm nhập vào quá trình sản xuất và làm thay đổi cơ cấu TTLĐ. Những vấn đề này đang tạo ra mối đe dọa đối với các TTLĐ truyền thống, đặc biệt là những TTLĐ có trình độ thấp. Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa cao nhất chỉ sau Trung Quốc, chiếm tới gần 70% vị trí việc làm.

Trong thời gian qua, chúng ta đã đầu tư khá nhiều tiền của cho các chương trình như dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho thanh niên nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên do là còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn nghề với đời sống thực tế. Số lao động được đào tạo thì nhiều nhưng mang lại lợi ích cụ thể thì ít vì ngành nghề không phù hợp, không sát thực tế. Ngay cả đối với ngành nghề nông nghiệp, tuy học viên đã biết vận dụng kiến thức nhưng sử dụng kiến thức đó để mở rộng quy mô, phát triển các mô hình kinh tế lớn thì còn lúng túng.

Để khắc phục các nguyên nhân làm cản trở công tác dạy nghề, trong thời gian tới, cần tập trung vào ba vấn đề cốt lõi: Thứ nhất là quy hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề, giảm thành lập trường công lập, kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo không bảo đảm chuẩn về cơ sở vật chất, chuẩn về cán bộ quản lý, giáo viên, chuẩn về chương trình dạy nghề, có tỷ lệ đào tạo xong không có việc làm lớn. Cần có chủ trương chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư phát triển dạy nghề, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp ở mọi khâu đào tạo.

Thứ hai, Nhà nước cần hợp tác, đầu tư vào công việc dự báo TTLĐ thật khoa học nhất là mối liên hệ với doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng nhằm mục tiêu nắm chắc TTLĐ. Đây là chuyện sống còn của cơ sở đào tạo vì đó là cách tiến đến mục tiêu người học ra là có việc làm và thu nhập tốt hơn. Trước vấn đề này, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, việc nắm chắc thông tin về TTLĐ, xem xét xu hướng tuyển dụng là rất cần thiết đối với người học. Từ năm 2018, các trường dạy nghề phải tạo những bước đột phá mới trong công tác đào tạo để thu hút người học, đồng thời giải quyết bài toán tồn tại và sáp nhập nếu hoạt động không hiệu quả.

Thứ ba, Nhà nước cần có những trường điểm về đào tạo nghề thật sự đổi mới mang tầm quốc tế. Hiện đang triển khai đào tạo 22 nghề trọng điểm chuyển giao từ Đức theo mô hình kết hợp giữa nhà trường, nhà tuyển dụng và doanh nghiệp, tuy nhiên cần cẩn trọng khi nhập khẩu các chương trình đào tạo nghề. Cách mạng 4.0 hầu hết đã thâm nhập vào tất cả các ngành nghề thể hiện qua các lĩnh vực tự động hóa, công nghệ thông tin… Vì thế cần tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở GDNN chất lượng cao tại Việt Nam; thực hiện liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo. Thực hiện từng bước công tác kiểm tra, kiểm định chứng nhận “sản phẩm đầu ra” cho các cơ sở đào tạo. Tất cả hướng tới đào tạo những gì doanh nghiệp và xã hội đang cần chứ không phải đào tạo những gì đang có.

Việt Anh (nguồn: Theo HÀ LÊ  http://www.nhandan.com.vn/)

Bình luận:
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận của bạn:
Hotline: 0945 18 6633
popup

Số lượng:

Tổng tiền: