Ngành Công Thương: Phát triển nhân lực khoa học- công nghệ

Mai Tiến Hiệp 26/07/2018 0 nhận xét

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, với xu thế lấy khoa học và công nghệ (KH&CN) làm động lực tăng trưởng, ngành Công Thương đã chú trọng đầu tư phát triển nhân lực lĩnh vực này.

Nhân lực trong lĩnh vực cơ khí đã được nâng cao

Nguồn lực quyết định

Theo Viện Nghiên cứu cơ khí Bộ Công Thương (Narime), đào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định để doanh nghiệp tự chủ thành công. Do đó, công tác tuyển dụng, đào tạo ngắn và dài hạn luôn được Narime thực hiện theo quy trình chặt chẽ, có sát hạch, được thử thách trong các dự án cụ thể. Narime còn hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu tại Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực để đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ cán bộ. Nhờ có đội ngũ nhân lực trình độ cao, Narime đã hoàn toàn làm chủ khâu thiết kế thiết bị cơ khí thủy công, cùng doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo, cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Narime đã tư vấn, tham mưu cho nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ chú trọng công tác nhân lực. Đơn cử, chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đến năm 2025 đã xác định con người là yếu tố then chốt cho sự phát triển. Theo đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dầu khí luôn được ưu tiên hàng đầu. Với trình độ quản lý, tay nghề ngày càng được nâng cao, hiện nay, nguồn nhân lực của PVN có thể đảm nhận việc quản lý, vận hành các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trong và ngoài nước.

Đầu tư về chất lượng

Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), đội ngũ cán bộ hoạt động trong 24 viện nghiên cứu của Bộ Công Thương hiện có 3.832 người, trong đó có 152 tiến sĩ (4%), 678 thạc sĩ (17,7%), 1.999 kỹ sư/cử nhân (52%), số cán bộ còn lại có trình độ cao đẳng, trung cấp và công nhân (1.003 người, chiếm 26,3%). Phân theo độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, dưới 30 tuổi chiếm 27%; cán bộ trong khoảng 30 - 50 tuổi 61% và trên 50 tuổi là 12%.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các viện nghiên cứu đã quan tâm đến đầu tư phát triển nguồn nhân lực KH&CN thông qua việc đào tạo, đào tạo lại; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Điển hình như Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim đã cử đào tạo trong và ngoài nước 3 tiến sĩ, 14 thạc sĩ và cử nhiều lượt cán bộ đi đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài, tham gia các lớp tập huấn trong nước; Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin đang gửi đi đào tạo 13 tiến sĩ và 53 thạc sĩ; Viện Năng lượng đang gửi đi đào tạo 9 tiến sĩ và 20 thạc sĩ; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đang gửi đi đào tạo 16 tiến sĩ và 10 thạc sĩ…

Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty cũng quan tâm đến việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực từ nhiều nguồn vốn và bằng các hình thức khác nhau. Các tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; số lượng người được cử đi tăng đều qua các năm, nhờ đó, đội ngũ nhân lực phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Chẳng hạn, hiện nay, toàn PVN có khoảng 1.300 cán bộ có trình độ sau đại học…

Đội ngũ cán bộ ở các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương được đào tạo cơ bản, nhiều người được đào tạo tại các nước phát triển, đáp ứng yêu cầu trong hoạt động nghiên cứu triển khai của ngành.

Ngân Giang (nguồn: Theo Quỳnh hoa http://baocongthuong.com.vn)

Hotline: 0945 18 6633
popup

Số lượng:

Tổng tiền: